Thứ Ba, 11 tháng 4, 2017

Giải tỏa căng thẳng mùa thi cho các sĩ tử

Đến hẹn lại thi đại học tạo nên một không khí sôi động và căng thẳng. Căng thẳng đến nỗi nhiều người đã bước qua tuổi ba mươi vẫn còn ác mộng về kỳ thi.

      
      Những trải nghiệm thi cử luôn là những trải nghiệm vừa thú vị, vừa rất căng thẳng đối với thời học sinh, nhất là khi đứng trước các kỳ thi quyết định như thi đại học. Thậm chí, nhiều trường hợp còn có những biểu hiện của rối loạn tâm thần do áp lực của chuyện thi cử. Các kỳ thi đôi khi còn là những “kỷ niệm” ám ảnh chúng ta suốt cuộc đời. Nhưng tôi cho rằng đó cũng chỉ là những trải nghiệm khó khăn trong một thời điểm hay một giai đoạn mà thôi.
     Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp thất vọng trong các kỳ thi làm cho bản thân mất tự tin, tự đánh giá bản thân thấp đi và là như những “di chứng” ảnh hưởng đến nhiều vấn đề cảm xúc sau này của cá nhân. Chính vì thế, phần lớn chúng ta có thể tự vượt qua hoặc được giúp đỡ để vượt qua những trải nghiệm khó khăn đó, nhưng có nhiều người khi nghĩ về những kỳ thi vẫn không khỏi rùng mình vì các trải nghiệm căng thẳng đã qua.

Nguyên nhân dẫn đến stress
     Học sinh thường trải qua những stress mà nguyên nhân đến từ nhà trường và gia đình. Trong bối cảnh trường học, hầu hết nguyên nhân đều phát sinh trong ba lĩnh vực: áp lực về học tập, áp lực từ bạn bè và áp lực do mâu thuẫn với thầy, cô giáo. Trong các loại áp lực về học tập thì các kỳ kiểm tra và kỳ thi là yếu tố stress lớn nhất, thậm chí ăn sâu trong tiềm thức mỗi người, chờ có dịp là bung ra.
     Áp lực về kỳ thi còn tăng lên gấp bội do cha mẹ thường mong muốn nhiều điều, đặt ra những tiêu chuẩn cao đầy kỳ vọng ở con cái. Áp lực này thường diễn ra trong cuộc sống của học sinh, khi học sinh không đạt được các kỳ vọng đó thì mức độ stress còn nặng hơn. Đồng thời, áp lực các kỳ vọng còn đến từ phía bạn bè đồng lứa: “mình không thể thua kém bạn bè”. Có những học sinh thất bại ở kỳ thi, không chịu nổi trước những áp lực đó đã tự sát một cách đáng tiếc.

Biện pháp khắc phục
     - Chiến lược chung trong phòng và chống stress bệnh lý có hai mục tiêu lớn:
     + Thứ nhất, một sự kiện có trở thành yếu tố gây stress hay không còn tùy thuộc vào nhận thức, đánh giá của ta về nó. Nếu đánh giá nó nguy hiểm với ta và ta không có khả năng giải quyết sự kiện đó, ta sẽ bị stress bệnh lý.
     Vậy trước khi thi, ta đánh giá rằng: “Cuộc thi này là tất yếu, chẳng có gì là nguy hiểm cả. Ta mong sẽ vượt qua, nhưng nếu có thi trượt cũng không tồi tệ lắm, “học tài, thi phận” là bình thường. Thua keo này ta bày keo khác...”. Và ta đánh giá: “Khả năng ta có thể vượt qua cuộc thi này bởi ta học khá. Cho dù ta không khá lắm thì “cần cù bù thông minh”. Ta cố gắng nhất định sẽ vượt qua kỳ thi”. Có niềm tin như vậy là sức mạnh lớn lao giúp ta vượt qua kỳ thi.
     + Thứ hai, thay đổi bản thân để thích nghi với cuộc sống. “Ta phải ôn tập cho tốt để thi đạt kết quả. Ta có thể nhận sự hỗ trợ của thầy cô dạy thêm và học tập thêm từ bạn bè...”.
     - Những động thái cụ thể:
     Thời gian chuẩn bị thi: kiểm tra tổng quát từng môn học, dành thời gian cho những môn yếu.
     Trước ngày thi: không miệt mài học vì cảm xúc căng thẳng có thể ngăn cản sự suy nghĩ minh mẫn khi làm bài. Đêm hôm trước ngày thi cần có giấc ngủ ngon. Đừng cho rằng vì thời gian trễ rồi nên cố gắng học kiểu nhồi sọ, sẽ làm rối trí, học càng không kết quả. Tránh ăn thực phẩm khó tiêu và nhiều gia vị vì kích thích ống tiêu hóa và hệ thần kinh thực vật làm khó chịu, ảnh hưởng đến làm bài thi.
     Khi bắt đầu làm bài cần hít thở sâu để giữ bình tĩnh. Với bài tự luận, đọc một mạch toàn bộ đề thi, không ngừng lại bất kỳ câu hỏi nào. Sau đó đọc kỹ lại và lựa chọn đề nào phù hợp với mình. Hết sức tập trung làm bài, lần lượt giải quyết từng câu hỏi, phân phối hợp lý thời gian cho từng câu, không dành hết thời gian cho một câu nào. Câu hỏi nào cũng làm, dù cho rằng mình biết ít ỏi đến đâu cũng không được bỏ giấy trắng. Giám khảo không thể cho điểm nếu ta bỏ giấy trắng, nhưng có thể nhân nhượng cho ta một hai điểm nếu ta viết được chút ít.
     Giáo viên và phụ huynh phải hiểu nguyên nhân stress đến từ nhà trường đối với học sinh, không tạo thêm áp lực lớn lên học sinh; phụ huynh đừng đặt kỳ vọng và tiêu chuẩn quá cao, quá khả năng cho con em mình.
Mọi chi tiết xin liên hệ:
Văn phòng tuyển sinh khoa Y Dược, tầng 3, nhà A, số 236 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội.

Điện thoại liên hệ: 0904620983 (cô Hà), 0988689166 (thầy Lâm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét